Mô tả Velociraptor

V. mongoliensis so với con người.

Velociraptor là một chi Dromaeosauridae kích thước trung bình, với con trưởng thành dài 2,07 m (6,8 ft), 0,5 m (1,6 ft) ngang hông, và nặng chừng 15 kg (33 lb).[3] Hộp sọ dài 25 cm (10 in) có một kiểu cong lên đặc biệt.

Velociraptor, giống như các họ hàng dromaeosaurids, có một bàn tay lớn với ba móng vuốt cong mạnh mẽ, chúng có tạo hình và sự linh hoạt tương tự như xương cánh của các loài chim hiện đại. Ngón thứ hai là ngón dài nhất trong ba ngón, trong khi ngón đầu tiên là ngắn nhất. Cấu trúc của xương cổ tay ngăn chặn vận động quay của tay và buộc bề mặt lòng bàn tay phải hướng vào trong (trung gian), chứ không xuống dưới.[6] Ngón đầu tiên của bàn chân, như trong các loài khủng long chân thú khác, là một ngón huyền nhỏ. Tuy nhiên, trong khi hầu hết các khủng long chân thú có bàn chân với ba ngón tiếp xúc với mặt đất, dromaeosaurids như Velociraptor chỉ đi bằng ngón thứ ba và thứ tư của chúng. Ngón chân thứ hai, điều mà Velociraptor nổi tiếng nhất, bị thay đổi và không tiếp xúc với mặt đất. Móng này là một móng vuốt hình lưỡi liềm tương đối lớn, điển hình của họ dromaeosaurid và khủng long troodontid. Móng vuốt mở rộng này, có thể phát triển dài hơn 6,5 cm xung quanh mép ngoài của nó,[7] rất có thể là một công cụ được sử dụng để xé xác hoặc giữ con mồi đang cố trốn thoát. [7] [8]

Như trong các dromaeosaurs khác, đuôi của Velociraptor có các đoạn xương dài tõe ra (prezygapophyses) trên bề mặt của đốt sống, cũng như các gân xương ở dưới. Các prezygapophyses bắt đầu xuất hiện ở đốt sống đuôi thứ mười và mở rộng về phía trước để kết nối với bốn đến mười đốt sống thêm, tùy thuộc vào vị trí ở đuôi. Chúng từng được cho là làm cứng đuôi, buộc toàn bộ đuôi hoạt động như một đơn vị riêng lẻ giống như một cái thanh rắn. Tuy nhiên, ít nhất một mẫu vật bảo tồn còn một loạt các đốt sống đuôi còn nguyên vẹn cong tạo thành một hình chữ S, cho thấy nó có sự linh hoạt ngang đáng kể hơn là họ nghĩ. [7] [9]

Vào năm 2007, các nhà cổ sinh vật học đã báo cáo sự phát hiện của các lỗ lông trên cánh tay của loài Velociraptor mongoliensis được bảo quản tốt từ Mông Cổ, xác nhận sự hiện diện của lông vũ ở loài này.[10]

Lông vũ

Hóa thạch của các loài dromaeosaurids nguyên thủy hơn Velociraptor đã được biết là có lông vũ bao phủ cơ thể của chúng và phát triển đầy đủ đôi cánh lông vũ.[11] Thực tế là tổ tiên của Velociraptor đã có lông vũ và có thể có khả năng bay từ lâu đã gợi ý cho các nhà cổ sinh vật học rằng Velociraptor cũng mang lông vũ, bởi vì ngay cả những con chim không bay ngày nay vẫn giữ được hầu hết lông vũ của chúng. Vào tháng 9 năm 2007, các nhà nghiên cứu tìm thấy các chân lông vũ trên cánh tay của một con Velociraptor được tìm thấy ở Mông Cổ.[10] Những đoạn nhô lên trên xương cánh tay cho thấy nơi lông vũ mọc lên, và sự hiện diện của chúng trên loài Velociraptor cho thấy nó cũng có lông vũ. Theo nhà cổ sinh vật Alan Turner,

Sự thiếu vắng của các chân lông vũ trên hóa thạch không có nghĩa là chúng không thể có lông vũ. Sự phát hiện ra các chân lông này trên loài Velociraptor, dù vậy, có nghĩa là chúng thực sự có lông vũ. Đầy là điều mà từ lâu chúng tôi đã nghi ngờ, nhưng chưa có ai có thể chứng minh điều này.[4]

Đồng tác giả Mark Norell, Phụ trách của các loài hóa thạch bò sát, động vật lưỡng cư và chim tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ, cũng đã cân nhắc về khám phá này, nói rằng:

Chúng ta càng tìm hiểu thêm về những con vật này, chúng ta càng thấy rằng cơ bản không có sự khác biệt giữa các loài chim và tổ tiên khủng long liên quan chặt chẽ của chúng như Velociraptor. Cả hai đều có xương chạc, làm tổ, có xương rỗng, và được bao phủ bởi lông vũ. Nếu động vật như velociraptor còn sống thì ấn tượng đầu tiên của chúng ta là chúng chỉ là những loài chim khác thường.[4]

Theo Turner và các đồng tác giả Norell và Peter Makovicky, các chân lông vũ không được tìm thấy trong tất cả các loài chim thời tiền sử, và sự vắng mặt của chúng không có nghĩa là động vật không có lông - như chim hồng hạc chẳng hạn. Tuy nhiên, sự hiện diện của chúng xác nhận rằng Velociraptor mang lông vũ cánh theo phong cách hiện đại, với một trục và các nhánh được hình thành bởi ngạnh. Mẫu cẳng tay mà trên đó các chân lông vũ đã được tìm thấy (số mẫu IGM 100/981) đại diện cho một con vật dài 1,5 m và trọng lượng khoảng 15 kg. Dựa trên khoảng cách của sáu chân lông được bảo quản trong mẫu vật này, các tác giả cho rằng Velociraptor có 14 lông cánh xuất phát từ cẳng tay, so với 12 hoặc nhiều hơn trong loài Archaeopteryx (chim thủy tổ), 18 trong Microraptor và 10 ở Rahonavis. Biến thể về số lượng lông cánh giữa các loài có thể liên quan chặt chẽ, các tác giả khẳng định, được mong đợi, do sự khác biệt tương tự giữa các loài chim hiện đại.[10]

Turner và các đồng nghiệp giải thích sự hiện diện của lông vũ trên Velociraptor làm bằng chứng chống lại giả thiết rằng các loài maniraptorans không bay mất lông do kích thước của chúng lớn hơn. Hơn nữa, họ lưu ý rằng các chân lông vũ gần như không bao giờ được tìm thấy trong các loài chim bay ngày nay, và sự hiện diện của chúng ở Velociraptor (được cho là không bay do kích thước tương đối lớn và chi trước ngắn) là bằng chứng cho thấy tổ tiên của dromaeosaurids có thể bay trong khi Velociraptor và các thành viên lớn khác của họ này mất khả năng bay, mặc dù có thể những chiếc lông cánh lớn được sử dụng bởi tổ tiên của Velociraptor có mục đích khác ngoài bay. Lông vũ của loài Velociraptor không bay có thể đã được sử dụng để phô trương, che phủ tổ của chúng trong khi ấp trứng, hoặc để tăng thêm tốc độ và lực đẩy khi chạy lên dốc nghiêng.[10]